Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2023 tỉnh Hải Dương cơ bản giữ ổn định.
Trong tháng 02, tỉnh Hải Dương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2023, với trọng tâm là: (1) thực hiện công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; (2) thu hút, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; (3) tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư; (4) tăng cường công tác chỉ đạo điều hành nhằm xác định rõ tiến độ hoàn thành từng công việc cụ thể. Vì vậy, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bước đầu có chuyển biến, trong đó, lĩnh vực công nghiệp, thương mại có một số “điểm sáng” khá rõ nét.
Một số cây vụ đông chủ lực của tỉnh như hành củ, cà rốt cho năng suất, sản lượng thấp hơn hơn so với năm trước; riêng nhóm cây rau lấy lá ước tính năng suất tương đương so với năm 2022.
Hoạt động chăn nuôi cơ bản ổn định. Đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ, ước tháng 02, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 79 tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 150 tấn, giảm 3,2%.
Về sản xuất công nghiệp, so với tháng trước, sản xuất công nghiệp tháng 02 bằng 113,7%; trong số các ngành công nghiệp, có 27 ngành tăng so với cùng kỳ (11 ngành tăng trên 20%) và 01 ngành giảm (sản xuất và phân phối điện). Tính chung 2 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp bằng 114,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động đầu tư, tính chung 02 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 478 tỷ đồng, tương ứng 8,2% kế hoạch, giảm 6,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 7,2% kế hoạch, tăng 3,3%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 9,2% kế hoạch, giảm 9,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 9,7% kế hoạch, giảm 25,3%.
Cũng trong tháng 2, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chuyển biến tích cực duy trì mức tăng trưởng khá, thị trường hàng hóa sôi động với các hoạt động phục vụ lễ hội sau Tết Nguyên đán. Nguồn cung thực phẩm dồi dào khiến giá mặt hàng này có giảm nhẹ so với thời điểm trong Tết, nhưng vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (tháng 02 năm trước vẫn bị dịch Covid-19). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 ước đạt 7.195 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động vận tải kho bãi đạt 982 tỷ đồng, tăng 36,1%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến hết ngày 15/02 ước đạt 3.107 tỷ đồng. Ước tính thu ngân sách nhà nước đến hết tháng 02 đạt 4.151 tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán năm, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa ước đạt 3.586 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; thu qua Hải quan đạt 563 tỷ đồng tăng +18,2%.
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến hết ngày 15/02 ước đạt 2.817 tỷ đồng. Ước tính tổng chi ngân sách nhà nước đến hết tháng 02 đạt 4.120 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.056 tỷ đồng tăng 80,1% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 2.062 tỷ đồng tăng 17,7%.
Các lĩnh vực văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch; tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định.
File đính kèm:
Nguồn: BBT
Hôm nay: 0
Tổng lượng truy cập: 0