Sáng 20/01, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022 với hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận huyện, thị xã.
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng. Dự tại điểm cầu Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế và một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Hải Dương
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam xảy ra 4 đợt dịch Covid-19, trong đó, 3 đợt dịch đầu tiên (từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2021) đều ghi nhận số ca lây nhiễm ở mức độ thấp. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4/2021 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương. Các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Dịch bệnh trong nước tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của Nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ do dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các địa phương trọng điểm kinh tế. Thu nhập, việc làm của lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là lao động tại các khu công nghiệp, người dân sống phụ thuộc nghề dịch vụ. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.
Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong triển khai nhiều chủ trương, biện pháp, với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đồng thuận của Nhân dân đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…
Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, toàn ngành Y tế cả nước luôn nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Nổi bật như hiện cả nước có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; chất lượng dân số được cải thiện. Tổng tỷ suất sinh năm 2021 đạt 2,11 con/phụ nữ; tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,8 tuổi; tỷ suất tử vong của trẻ em giảm còn 13,6%, tỉ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 21,6%....
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào các giải pháp, kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19…
Năm 2022, ngành Y tế cả nước tiếp tục ưu tiên cho thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (giai đoạn 2022 - 2023); nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của ngành Y tế Việt Nam đã đạt được trong năm 2021. Nhất là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, góp phần hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội ứng phó hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong lâu dài… Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, trong đó cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong lúc khó khăn; có cách tiếp cận đúng, tiếp cận toàn dân, tiếp cận cơ sở, lấy người dân làm trung tâm; tổ chức thực hiện quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế; càng khó khăn phức tạp càng phát huy dân chủ…
Thủ tướng đề nghị năm 2022 toàn ngành y tế cần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng; bám sát diễn biến dịch bệnh, biến thể Omicron để kịp thời tham mưu với Chính phủ các biện pháp phòng dịch; triển khai thần tốc hơn nữa việc bao phủ vắc xin; chủ động nguồn vắc xin; quản lý bệnh nhân F0 tại nhà; các biện pháp phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc; nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ trên 5 tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch…
Nguồn: PV
Hôm nay: 436
Tổng lượng truy cập: 22827630